Chết đuối hụt ở Đà Nẵng dạy mình điều gì?

chết đuối hụt ở Đà Nẵng

Sau mấy tháng ngủ đông thì cuối cùng mùa hè cũng đã đến trên biển Mỹ Khê. Nước ấm, nắng vàng, thời tiết dễ chịu, thời điểm lý tưởng nhất trong năm để tắm biển và tắm nắng.

Và đây là một câu chuyện … buồn về việc mém chết đuối:

Thứ hai 26/4/2021, mình với bạn người yêu quyết định dậy sớm, chuẩn bị đồ ăn để đi picnic bãi biển- đây cũng là lần đầu tiên tụi mình tắm biển Đà Nẵng kể từ khi chuyển ra đây sống từ tháng 2.

Tầm 9h sáng, sóng biển vỗ rì rào nhẹ nhàng, mặt trời còn chơi trốn tìm sau những đám mây, tìm được một bãi biển vắng, cạn, hai đứa đủng đỉnh để đồ trên bờ và xuống tắm.

Quả ảnh sống ảo trước khi câu chuyện đuối nước diễn ra

Mình vốn bơi yếu, và không biết đứng nước (và hơi sợ nước nữa), còn bạn người yêu là tay bơi cừ khôi nên mình cứ ỷ y, cứ thế theo bạn í ra xa để tận hưởng vùng yên lặng của biển (vì ở gần bờ thì mấy con sóng hay đánh vỡ tung, mặc dù mình cũng thích nhảy sóng và luồn dưới sóng nhưng mà nhảy quài cũng mệt chớ!). Với cả mình cũng không định đi biển tập gym, mình chủ ý thư giãn cơ mà. Thế rồi thiên thời địa lợi nhân hoà, biển cạn, thuỷ triều thấp, sóng nhẹ , mình cứ thế đi ra xa tít mà nước cũng chỉ xấp xỉ tới ngực thoai (bụng nghĩ thầm thích quá đây là lần đầu tiên mình đi xa vậy).

Nói vậy nhưng khi nhìn vào bờ càng ngày càng xa, người ngày lúc càng càng bé tí, nhấp nhô lúc ẩn lúc hiện sau những cơn sóng, mình thoáng lo lắng “không biết lát đi vào có được không”. Nhưng rồi một luồng suy nghĩ khác lại chen ngang “àh, nỗi sợ của mày đang lên tiếng đó, chẳng sao đâu, mày đang an toàn và thích thú ở đây mà”. Thế là mình cứ tiếp tục đi và đùa giỡn với anh người yêu.

Thế rồi, trong 1 khoảnh khắc, mình bị hụt chân khi bước về phía trước, chân mình không chạm được đáy biển. Hơi hoảng, mình bám vội vào anh người yêu nhờ đem về chỗ cạn. Rồi cũng ngay lúc đó, tụi mình nhận ra, chân anh người yêu bỗng nhiên cũng không còn chạm được đáy biển nữa (ảnh cao tận 185cm í). Mình ôm cổ ảnh, ráng bình tĩnh để ảnh tập trung sức bơi vào bờ. Nhưng, sóng ngày một mạnh, nước biển cứ táp cả vào mặt, bơi được một thì sóng đánh ngược lại ba, tụi mình vẫn cứ tiếp tục hướng phía bờ và bơi. (Nói đúng hơn là anh người yêu bơi, còn mình thì chỉ biết ráng ôm cổ và ngóp mặt lên thở sau những lúc uống nước mặn chát thoai).

Mình cũng chẳng biết quá trình đó kéo dài bao lâu, đến lúc tụi mình gần như không cố được nữa thì thấy anh cứu hộ từ xa đang tiến về phía tụi mình. Thề là chưa bao giờ mừng như thế khi nhìn thấy cứu hộ trong đời “được cứu rồi, mình nghĩ thầm”.

Khi vào được đến bờ, ảnh nói đây là khu vực nguy hiểm CẤM TẮM nhưng mà xui cho tụi mình là cái bản cấm không biết biến đâu mất. Rồi có một anh ở gần đó tới gần hỏi tụi mình chán sống rồi hay sao? Chẳng còn sức lực, tụi mình chỉ biết nằm vật ra ráng điều hoà hơi thở và bình tâm lại. Kỷ niệm một lần chết đuối hụt, ghi ra đây để nhắc nhở bản thân và mọi người biết để né nè.

Mình học được gì sau vụ chết đuối hụt này?

  1. Bắt buộc phải học kỹ năng bơi đàng hoàng: Mình bơi yếu và không biết đứng nước, không dám thả nổi cơ thể dưới biển vậy mà liều và chủ quan. Học bơi tuyệt đối không nên bỏ qua kỹ năng đứng nước như mình. Còn nếu bơi hong giỏi thì chỉ nên chơi gần bờ hoặc phải mặc áo phao nha các bạn- đừng có mắc cỡ. An toàn là trên hết.
  2. Bổ sung kiến thức và học cách quan sát: tụi mình bơi ngay khi vực có dòng chảy xa bờ (rip current) mà không hề biết, lại còn đi vào ngay khu vực giữa 2 dòng chảy vì khu vực này thường cạn và êm đềm. Và một điều không may nữa là hôm đó thuỷ triều lên cao nhất vào tầm 10h sáng- ngay lúc mình “bỗng nhiên” hụt chân đó!. Vậy nên, khi đến một vùng biển mới, hãy tìm hiểu trước, hãy chú ý biển báo những khu vực được phép tắm và không, quan sát người dân địa phương, và đừng chủ quan như bọn mình mà có ngày mất mạng oan nhaaa.

Dòng chảy xa bờ (rip current) cực kỳ nguy hiểm, ngay cả đối với những tay bơi cừ khôi. Ở Việt Nam mình, dòng chảy ra bờ thường xuất hiện ở biển Đà Nẵng, Vũng Tàu.

Nhận diện rip current. Ảnh: beachsafe.org.au

Vậy lỡ nếu gặp dòng chảy xa bờ thì làm sao?

  • Thư giãn, dòng chảy xa bờ sẽ không nhấn chìm bạn đâu
  • KHÔNG bơi ngược dòng chảy (như tụi mình, chỉ bị đuối sức thêm thôi)
  • Ráng bơi ra khỏi dòng chảy (bằng cách bơi ngang song song với bờ biển) rồi sau đó mới bơi hướng vào bờ
  • Nếu bạn không thể thoát ra khỏi dòng chảy thì hãy đứng nước hoặc thả nổi cơ thể
  • Nếu cần giúp đỡ, hãy la lớn hoặc vẫy tay để người khác thấy
  • Và đặc biệt, KHÔNG ĐƯỢC HOẢNG LOẠN, phải bình tĩnh thì mới cân nhắc và chọn thực hiện được một trong các lựa chọn trên.
Ảnh: https://ncseagrant.ncsu.edu/

Đọc & học thêm kiến thức về dòng chảy xa bờ tại đây: tiếng việt, video tiếng anh.

3. Tuyệt đối không được chủ quan với những cảnh báo: tụi mình hay cố ý phớt lờ các bảng “cấm tắm” ở biển, mình cứ cho rằng do thiếu cứu hộ bãi biển nên họ mới lùa mọi người vào tắm ở cùng một khu vực cho dễ trông coi, và hạn chế tối đa tỷ lệ chết đuối để không ảnh hưởng đến thành tích thi đua của thành phố đó. Mới hôm trước đó mình còn tỏ thái độ khi anh cứu hộ huýt còi kêu mình lên bờ ở một khu vực biển khác. Thiệt là xấu hổ cho cái thái độ của mình!

4. Phải lắng nghe và cân nhắc tiếng nói bên trong của bản thân: người ta hay nói rằng câu trả lời luôn có sẵn trong tâm trí, chỉ là chúng ta không đủ lắng để nghe. Lần này cũng vậy, hơn một lần, mình có suy nghĩ xẹt qua trong đầu rằng: ôi mình ở xa bờ quá, lát nữa không biết có đủ sức vượt sóng đi vào không; rồi lúc con sóng cao quá đầu mình mất dấu anh người yêu và không thấy được bờ, mình cũng nghĩ: hay là vào bờ thôi, chơi đủ rồi, sóng có vẻ mạnh rồi. Thế nhưng, một luồng suy nghĩ khác lại xen vào đầu mình, kiểu: nỗi sợ đang lên tiếng đó, đừng nghe nó, hãy enjoy đi. Thế là mình quyết định nghe lời cái tiếng nói thứ 2 ấy.

5. Phải ráng giữ BÌNH TĨNH trong mọi tình huống: Trong quá trình bám cổ anh người yêu, cố phụ quạt tay, đạp chân và … uống nước, mình không biết hành trình đó kéo dài bao lâu, trong vài mili giây ngắn ngủi đó, hàng loạt suy nghĩ vụt qua đầu: hay là mình thả trôi theo dòng nước để sóng đánh mình vào bờ, hay là mình cố bơi chắc mình sẽ bơi được thôi để bớt gánh nặng cho ảnhê nhưng mà lỡ mình bị sóng đáng tạt ra xa, không bơi nổi rồi ảnh không với tới mình thì sao? Rồi mình quyết định: mình phải bình tĩnh, mỗi lần cái đầu được lên khỏi mặt nước, hãy ráng hít lấy oxy vào, rồi đạp và quạt hết sức phụ ảnh nào.