“Men empowerment”- đã đến lúc trao quyền cho đàn ông

Trao quyền cho đàn ông? Nghe có vẻ nghịch lý nhỉ, họ đã có biết bao đặc quyền trong xã hội rồi, sao lại còn phải trao thêm quyền cho họ? Chả phải cả thế giới đã và đang đứng lên để bảo vệ nữ quyền hay sao? #menempowerment- phi lý!

Ừ, tôi cũng đã từng phản ứng như vậy đấy. Nhưng rồi, dần dà, khi tạm gác cái định kiến qua một bên để tìm hiểu về đàn ông, những người xung quanh tôi, những câu chuyện, những bài nói trên internet thì “trao quyền cho đàn ông” dần dà trở nên có lý hơn.

Cách đàn ông được dạy đối mặt với cảm xúc

Ảnh: nostalgicitalian

Chuyện là gần đây cậu em trai yêu quý của tôi lại giận tôi lần thứ “n” trong năm. Mỗi khi có điều gì đó không vừa ý, thay vì ngồi xuống nói chuyện để cùng giải quyết vấn đề, cậu ấy lại chọn cách hoặc im lặng, lánh mặt hoặc giận dữ, l giận lây cả những người khác trong gia đình.

Đây là vấn đề thường gặp không chỉ ở đàn ông trong gia đình tôi mà còn nhiều người đàn ông khác trong xã hội mà tôi đã từng quen biết hay làm việc cùng. Họ chọn cách extreme kiểu hoặc kìm nén cảm xúc hoặc thể hiện bằng bạo lực thay vì đối thoại để giải quyết căng thẳng. Trò chuyện về cảm xúc một cách trực diện là một kiểu đối thoại mà đàn ông thường lãng tránh.

Thể hiện cảm xúc, với đàn ông, có thể bị coi là yếu đuối, là “đàn bà”, là nhỏ nhen, tính toán, lắm lời, vân vân và mây mây.

Tham khảo: Thay đổi góc nhìn, thay đổi cuộc sống

Nguyên nhân

Từ nhỏ, đàn ông con trai đã được dạy là không được khóc dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra, phải “mạnh mẽ”, phải cứng rắn phải không? Vậy nên khi phải thể hiện những điều thầm kín, tâm tư, nguyện vọng, khát khao, nhu cầu- nghĩa là phải chạm tới những tầng sâu cảm xúc trong mình thì khả năng cao là cảm xúc sẽ tuôn ra ào ạt, có thể bạn sẽ bị rớt mất cái mặt nạ, có thể bạn sẽ khóc, có thể bạn sẽ cần một cái ôm. Vậy thì hình ảnh “nam nhi” coi như là sụp đổ, là thất bại, là không đáng mặt đàn ông, (như nhiều người vẫn nghĩ).

Vậy nên, tốt nhất là chọn cách im lặng và đè nén những tầng sâu cảm xúc đó của mình.

Hậu quả từ những rào cản và định kiến trên là phần lớn đàn ông thường chọn thể hiện cảm xúc theo cách “đàn ông” là thông qua cơn giận, thông qua bạo lực, thông qua sự lấn át, thông qua việc bỏ qua và tìm quên. Những giải pháp tạm thời này mang lại nhiều tiêu cực hơn là tích cực, có thể để lại nhiều tổn thương tâm lý cho chính người đàn ông ấy và những người họ yêu thương,

Suy ngẫm về “vulnerability”, về tính trung thực với cảm xúc và #menempowerment

Vulnerability /vul·ner·a·bil·i·ty/: tính chất hay trạng thái dễ bị tổn thương, bị tấn công về mặt thể chất hoặc tinh thần.

Oxford Languages

Vulnerability- hay nói một cách dễ hiểu hơn là emotional honesty- tính trung thực với cảm xúc, nên là quyền cơ bản của con người. Bất cứ ai cũng có quyền được là chính mình, thể hiện cảm xúc, nỗi sợ, bất an, một cách thô và thực nhất mà không bị tấn công hay bị phán xét.

Chỉ khi bạn cho phép bản thân mình được “vulnerable” (xin lỗi mình không biết dịch từ này trong tiếng việt như thế nào cho sát nghĩa), bạn có thể mở lòng mình, để được thấy, để được lắng nghe, để được hiểu, và qua đó, có thể kết nối với người khác một cách sâu sắc nhất.

Đàn ông không hạnh phúc thì gia đình- nền tảng của xã hội cũng sẽ lung lay. Thử tưởng tượng những người chồng, người cha, người ông không được sống cuộc đời họ muốn, không được sẻ chia, luôn trong tâm trạng bị ức chế, căng thẳng, phải tìm quên bên rượu bia, công việc, tiệc tùng, cờ bạc, tình dục hay tệ hơn nữa là gây nên bạo hành trong gia đình.

Đàn ông còn là tấm gương cho con trai, là mẫu bạn đời lý tưởng của con gái họ – theo một cách tích cực hay tiêu cực. (Nếu bạn tìm hiểu về Thuyết gắn bó, sẽ thấy rất nhiều mối quan hệ “trauma bond” hầu hết xuất phát từ gia đình và tuổi thơ của người đó).

Cách để trao quyền cho đàn ông

Trong bài viết của mình đăng trên Times of India, Deeksha Tripathi có một số gợi ý về men empowerment như sau:

  1. San sẻ cho các cậu con trai, em trai, bạn đời những kỹ năng cơ bản như dọn nhà, nấu ăn, giặt đồ từ khi còn nhỏ để không những giúp họ tự lập và tự lực mà còn giúp họ biết cảm thông hơn với phụ nữ. Họ có thể không làm tốt như phụ nữ ở giai đoạn đầu, nhưng như vậy thì đã sao? Mọi thứ đều cần thực hành.
  2. Tạo môi trường để đàn ông có toàn quyền tự do để thể hiện cảm xúc của mình. Họ có thể buồn, có thể nhạy cảm, có thể khóc, có thể bị tổn thương, có thể giận dữ, họ được quyền thể hiện các cung bậc cảm xúc thật của mình. Thậm chí, họ có thể khóc hết nước mắt khi họ muốn. Đó là cách duy nhất để con người ta được sống thật, được san sẻ, được yêu thương để tìm thấy cân bằng và hạnh phúc.
  3. Cho đàn ông quyền và lợi ích tương đương với phụ nữ trong hành trình làm cha mẹ. Hãy cho họ có đủ thời gian và điều kiện để trở thành người chồng, người cha tốt, dành thời gian cho gia đình.
  4. Đừng xỉa xói đàn ông nếu họ thích làm việc nhà hay chăm sóc con cái. Đừng chế giễu họ khi họ chọn ở nhà làm nội trợ khi vợ họ đi làm. Đừng phán xét họ khi họ muốn dành thời gian để vẽ vời, nấu ăn, ca hát, … thay vì đâm đầu vào cổ máy kiếm tiền.

Tạm kết

Mình cũng không biết và không có đủ thấu hiểu để đưa ra bất cứ lời khuyên nào cho đàn ông. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân, là một con người, mình nghĩ mọi thứ nên bắt đầu từ những bước nhỏ nhất, như việc nhận ra những mô thức hành vi không lành mạnh của mình, tìm hiểu nguyên nhân và học cách chữa lành những tổn thương cho mình.

Tham khảo: Luyện tập kỹ năng sống hạnh phúc

Rồi sẽ đến một ngày, đàn ông- cũng như phụ nữ, sẽ ngồi lại với nhau, trao quyền cho nhau, ủng hộ nhau và nói về mình một cách chân thật và “đời” nhất, thay vì chỉ bàn luận chuyện kinh doanh, chuyện thể thao, chuyện chính trị và chuyện tình dục.

Mình hy vọng, nếu có bạn nam nào đang đọc bài viết này, bạn hãy dành chút thời gian suy nghĩ về những điều trên nhé.

Cuối cùng, mình xin mượn lời cô Brené Brown thay cho lời kết.

Trong một buổi phỏng vấn với Lewis Howes, khi được hỏi rằng, nếu có cơ hội được nhắn nhủ điều gì đó với tất cả đàn ông trên thế giới, bất kể màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, cô sẽ nói gì?

Sau một hồi suy nghĩ, Brené Brown nói rằng: “Vulnerability không phải là điểm yếu mà chính là sự sẵn sàng để xuất hiện, để cho người khác nhìn thấy mình ngay cả khi mình không thể lường được kết quả. Thật ra, đây mới chính là thước đo tuyệt vời nhất cho sự dũng cảm. Xuất hiện theo một cách chân thật và để cho người khác thấy trái tim của bạn, bởi vì chúng tôi hiểu, bạn rất cô đơn”